Phước An hiện có 01 tổ công nghệ số cộng đồng xã gồm 10 thành viên, và 13 tổ công nghệ số cộng đồng ấp với 65 thành viên. Các tổ công nghệ số cộng đồng đang góp phần triển khai hiệu quả nhiệm vụ đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giúp người dân trong xã được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản và tạo ra nhiều giá trị thiết thực. Điều đặc biệt, tại các tổ công nghệ số cộng đồng có 50% thành viên là người cao tuổi (NCT) đang làm việc trong các hội, đoàn thể hoặc sinh hoạt ở ấp. Mỗi người đang tiếp cận công nghệ và truyền tải đến mọi người theo những cách rất riêng.
E ngại khi tiếp cận, sử dụng thiết bị công nghệ là tâm lý chung của nhiều NCT, thế nhưng với Điểu Trư, dân tộ x’tiêng ấp Sóc Tranh, xã Phước An, huyện Hớn Quản thì ngược lại. Trong mọi hoạt động thường nhật, điện thoại thông minh được xem là vật bất ly thân với bà vì không chỉ thường xuyên truy cập để đọc báo, xem tin tức, kết nối mạng xã hội để trò chuyện cùng bạn bè; bà còn sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khi cần.
Bà Thị Hân cho biết: “Tôi năm nay 72 tuổi, trí nhớ, chân tay không nhanh bằng giới trẻ nhưng không vì thế mà mình ỷ lại. Bản thân cũng không ngại học hỏi, tìm hiểu những ứng dụng mới, tham gia các buổi tập huấn do tổ công nghệ số cộng đồng triển khai để không chỉ nâng cấp bản thân mà còn trang bị kiến thức để chỉ lại những người chưa biết, nhất là NCT”
Sự nhiệt huyết, năng nổ của NCT trong tổ công nghệ số cộng động chính là nguồn cảm hứng để người trẻ thay đổi tư duy, nhận thức, đồng hành với công cuộc chuyển đổi số của xã.
Ông Cao Xuân Hoa, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng ấp Trường Thịnh, xã Phước An chia sẻ: “Mục tiêu mà tổ công nghệ số cộng đồng đặt ra, đó là mỗi gia đình có ít nhất một người biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh. Từ đó họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để hướng dẫn các thành viên khác trong gia đình thực hiện”.
Bên cạnh lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên, các hội, đoàn thể ở địa phương, có rất nhiều NCT trong xã đã vượt qua trở ngại về tuổi tác để sử dụng tốt các ứng dụng công nghệ thông tin, cùng tham gia tổ công nghệ số cộng đồng với mục tiêu mỗi người dân trở thành công dân số sẽ tạo nền tảng xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập, triển khai trong toàn tỉnh. Đây được xem là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và tương tác với chính quyền qua nền tảng số… Phát triển tổ công nghệ số cộng đồng với sự quan tâm đúng mức sẽ góp phần giảm áp lực cho cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ tuyến cơ sở.
Tổ công nghệ số cộng đồng về lâu dài sẽ là lực lượng nòng cốt làm thay đội ngũ công chức ở cơ sở về việc hướng dẫn người dân thực hiện những thủ tục đơn giản. vì hiện nay, cán bộ, công chức đang kiêm rất nhiều việc, nếu hỗ trợ thêm chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thực tế hiện nay, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã chủ yếu vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Do đó, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, cũng như đẩy mạnh các lớp, chương trình tập huấn về kỹ năng số cho thành viên tổ. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng rất quan trọng. Đây là lực lượng gần dân, sát dân, khai thác hiệu quả thế mạnh của các tổ này sẽ giúp lan tỏa công nghệ số trong cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội diễn ra mạnh mẽ hơn.
Điểu Thị Thúy